Có một vấn đề mà phần lớp người học Tiếng Anh đang mắc phải, thậm chí là những người học Tiếng Anh lâu năm nhưng họ không biết làm cách nào để có thể cải thiện tình trạng này, và bạn có nằm ngoài số đó ?
- Bạn hiểu người khác đang nói gì nhưng mình không thể làm được như vậy, hay thậm chí là không thể nhắc lại được những gì họ vừa nói dứt lời ?
- Bạn có thể đọc hiểu được các tài liệu bằng Tiếng Anh nhưng không thể sử dụng được từ vựng, mẫu câu mình biết theo ý của mình ?
- Bạn diễn đạt một cách rất thiếu tự tin và ấp úng?
Nói cách khác, bạn biết rất nhiều từ vựng, cụm từ, mẫu câu…nhưng chỉ sử dụng được một phần rất nhỏ trong số đó và rất kém tự tin với chúng. Bạn luôn mải mê tích lũy thật nhiều từ vựng rồi cuối cùng vẫn rất thất vọng về khả năng giao tiếp của mình?
Tại sao lại như vậy?
Câu trả lời chính là phần lớn những từ vựng, cụm từ vựng, mẫu câu bạn biết mới chỉ lưu trữ tại tầng rất nông của trí nhớ, mà có thể quên đi bất cứ lúc nào. Hay nói cách khác, đó mới chỉ được gọi là vốn Tiếng Anh BỊ ĐỘNG. Và để thực sự nghe nói thành thạo một ngôn ngữ thì bạn cần một lượng vốn từ vựng Tiếng Anh CHỦ ĐỘNG. Có nghĩa là, bạn phải sử dụng chúng một cách thực sự thành thạo, có thể BẬT ra khỏi miệng của mình bất cứ lúc nào. Một tin vui là con số đó không nhiều và bạn hoàn toàn có thể chinh phục được trong 3-6 tháng: 3000 từ vựng cơ bản.
Mình tin rằng, với số vốn từ vựng của các bạn đã biết thì nó không quá xa so với con số 3000 phải không? Vấn đề cần bàn tới là làm thế nào để có thể nhanh chóng chuyển số vốn BỊ ĐỘNG thành CHỦ ĐỘNG và tích lũy một cách thực sự hiệu quả.
REPETITION- chìa khóa để nói Tiếng Anh tự tin, trôi chảy. Mình sẽ giới thiệu với các bạn về kĩ thuật này và cụ thể mình đã làm như thế nào.
Mục đích của kĩ thuật này là NHẮC NHỞ bộ não của chúng ta một cách liên tục với cường độ cao trong một thời gian nhất định, khiến ngôn ngữ ăn sâu vào TIỀM THỨC để sử dụng một cách hoàn toàn tự nhiên (sử dụng mọi cách có thể)
Tuy vậy, phần lớn chúng ta không thích điều này và rất nhanh bị chán nản nếu lặp đi lặp lại một việc gì đó nhiều lần và liên tục. Chúng ta có xu hướng muốn học thật nhiều, thật nhanh và nó đã phạm vào một quy tắc vô cùng quan trọng của việc học ngôn ngữ, đó là “ LEARN DEEPLY – SPEAK EASILY” .
Và vì vậy đối với mỗi bài học, phải luôn tuân thủ quy tắc này một cách tối đa, học thật sâu một nội dung cho đến khi BUỘT MIỆNG NÓI ra mới tiếp tục chuyển sang bài học tiếp theo.
CHUẨN BỊ:
Trước khi bắt đầu mỗi bài học hãy làm nóng cơ thể của mình, chuẩn bị bắt đầu bài học một cách hào hứng, vui vẻ( tùy các bạn nhé, có thể hát bài hát mình thích, nghe 1 bản nhạc sôi động, short clip hài…..)
Nói những câu khẳng định tích cực ( I’m a great English speaker…), luôn giữ tư thế cơ thể một cách mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng và đặc biệt luôn luôn di chuyển cơ thể trong quá trình thực hiện kĩ thuật này nhé )
BẮT ĐẦU:
- Tập trung vào việc NGHE-HIỂU nội dung chính của bài khóa( 3-5 lần)
- Nghe hiểu 100 % nội dung của bài khóa ( nhìn bản text). Đặc biệt chú trọng vào từ mới ( nếu có) cho đến khi nghe hiểu hoàn toàn 100% mà không cần xem bản text ( 7-10 lần )
- Tập trung vào phát âm: nghe thật cẩn thận từng từ và bắt chước lại một cách thật chính xác và giống nhất có thể ( có thể dung nút tạm dừng). Đặc biệt chú ý đến trọng âm, phụ âm cuối, cách nói nối âm, nuốt âm nếu có(5-7 lần).
- Tập trung vào ngữ điệu: bắt chước lại giọng điệu của speaker. Cách lên giọng, xuống giọng, cách ngắt, nghỉ, nhấn, sử dụng các thành phần đệm, xen trong văn nói, cách sử dụng cảm xúc…Hay nói cách khác là mô tả lại một cách chính xác nhất có thể.
- Tập nói to nhất có thể, cách này giúp ngôn ngữ mới dễ dàng ăn sau vào vỏ não hơn.
- Tập trung vào việc phát triển tốc độ khi nói, nói nhanh nhất có thể để thực sự ghi nhớ sâu bài học, không bao giờ quên.
- Có thể sử dụng nhiều cách khác nữa như viết ra giấy….nhưng trên đây là cách cách mình thường dùng để giữ được sự hứng thú trong quá trình luyện tập. Mục tiêu quan trọng nhất là nhắc nhở bộ não của mình một cách liên tục, và các bạn nên chia ra nhiều lần trong ngày nhé. Tránh việc học một lúc nhiều giờ liên tục rồi cả ngày không động chạm gì đến nữa. Chắc chắn hiệu quả sẽ bị giảm đi.
Sở dĩ mình dùng nhiều cách khác nhau như vậy là bởi vì trong quá trình luyện tập, với mỗi một cách thì sau một khoảng thời gian( 30-40 phút) chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy bắt đầu nhàm chán và không hiệu quả cao nữa. Do vậy chúng ta nên thay đổi trạng thái và sự tập trung của mình để luôn luôn đạt được trạng thái hứng khởi cao nhất có thể.
Và điều cuối cùng, mỗi khi các bạn thực hiện một bài tập, tập trung cụ thể vào một điểm nào đó thì hãy chỉ nghĩ đến phát triển điểm đó mà thôi, bỏ qua những cái khác
VD: khi tập trung vào ngữ âm thì chỉ cần nghĩ đến việc phát âm sao cho tốt là đủ, hãy bỏ qua tất cả các điểm còn lại như : tốc độ, ngữ điệu, nói to….
Chúc các bạn thành công!